KH-CN&HTQT

https://icms.tnus.edu.vn


Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thế kỷ Châu Á – Thái Bình Dương

Đó là chủ đề của Tọa đàm khoa học quốc tế được Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 26/8 tại Đại học Thái Nguyên. Dự Hội thảo có PGS. TS Nguyễn Tất Giáp – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, đại diện Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên. Về phía ĐHTN có GS. TS Đặng Văn Minh – Phó Giám đốc ĐHTN, đại diện các ban chức năng, các cơ sở giáo dục đại học thành viên và các cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thế kỷ Châu Á – Thái Bình Dương

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, GS. TS Đặng Văn Minh đã bày tỏ sự vui mừng khi ĐHTN vinh dự được phối hợp với Viện Nghiên cứu Ấn Độ (thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế này. Phó Giám đốc nhấn mạnh, đây là một Hội thảo quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa giáo dục. Hội thảo cũng là cơ hội nhằm chia sẻ thông tin về quá trình phát triển hợp tác, chia sẻ những cơ hội hợp tác trong tương lai. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các nhà khoa học của ĐHTN và tỉnh Thái Nguyên trao đổi, xây dựng mạng lưới hợp tác với các nhà khoa học, các đối tác Ấn Độ.
 
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 71 năm Ngày Quốc khánh 2/9 của Việt Nam, 70 năm Ngày Độc lập của Ấn Độ, 02 năm ngày thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và cũng là một trong những sự kiện mở đầu cho chuyến thăm cấp nhà nước của ngài Narendra Modi, Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ tới Việt Nam vào đầu tháng 9/2016.

Với 13 tham luận của gần 100 nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học của Việt Nam và Ấn Độ, thể hiện quan điểm nghiên cứu của mình trên mọi chiều cạnh, xoay quanh chủ đề, nội dung hội thảo, đủ thấy độ hấp dẫn, độ phong phú của vấn đề cần thảo luận và trên hết là tình yêu Việt Nam - Ấn Độ; ý thức trách nhiệm khoa học và sự mong mỏi, hy vọng được đóng góp công sức cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Các tham luận tại Tọa đàm đã tập trung nghiên cứu, luận giải, đề xuất, khuyến nghị về những nội dung như:
- “Bác Hồ với Ấn Độ” của PGS. TS Nguyễn Đức Hạnh – Giám đốc Nhà Xuất bản ĐHTN;
- “Ấn Độ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” của TS. Pankaj K Jha, Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Ấn Độ;
- “Ấn Độ - Việt Nam: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới và một quá khứ rực rỡ” của diễn giả Geetesh Sharma – Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn – Việt bang Tây Belgan;
- “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thế kỷ Châu Á – Thái Bình Dương” của TS. Kim Ngọc Thu Trang – Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm;
- “Việt Nam trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ” của GS. Naidu – Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Nam, Trung, Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu quốc tế, Đại học Tổng hợp Jawaharlal Nehru;
- “Bối cảnh quốc tế và những tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ” của TS. Prashant Kumar Singh – Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ;
- “Về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ” của nhà thơ Kusum Jain - Ủy ban Đoàn kết Ấn – Việt bang Tây Bengal;
- “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Mối quan hệ trong sáng như bầu trời không một gợn mây” của Th.s Dương Thị Huyền – Trường Đại học Khoa học….


Có thể thấy, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là một mối quan hệ lâu đời, có nguồn gốc từ những trao đổi thương mại và tôn giáo từ hàng ngàn năm trước; được khởi dựng từ những giao lưu văn hóa trong lĩnh vực tôn giáo (sự truyền bá đạo Phật từ Ấn Độ vào Việt Nam), mối quan hệ cá nhân sâu sắc giữa các vị lãnh đạo tiền bối như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru, và bởi sự đoàn kết gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập và phát triển kinh tế - xã hội của hai nước. Năm 2017, hai nước sẽ kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Chính phủ hai nước nhất trí cao việc tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược và phát triển quan hệ đối tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, năng lượng, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định Việt Nam là trụ cột quan trọng nhất trong Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ và trong phát triển quan hệ Ấn Độ với ASEAN.
 
Trong bối cảnh mới, quan hệ Việt - Ấn mặc dù có những thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Thuận lợi cơ bản là mối quan hệ này được phát triển trên một nền tảng rất vững chắc và lâu đời. Thêm vào đó, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tiếp tục duy trì sự phát triển năng động nhất trên thế giới, trong đó cả Việt Nam và Ấn Độ đang trở thành hai trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh với những triển vọng tốt nhờ tích cực cải cách và mở cửa. Cùng với đó là quá trình tự do hóa và liên kết khu vực, do sự phụ thuộc lẫn nhau và nhu cầu đối thoại, hợp tác giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, tình hình khu vực đang có nhiều biến động, phức tạp, đan xen nhiều xu hướng khác nhau, vừa cạnh tranh ảnh hưởng, vừa gia tăng sự phụ thuộc giữa các cường quốc, đặt ra nhiều bài toán lợi ích cùng lúc cho mỗi nước. Những thách thức an ninh, chính trị cùng với bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam và Ấn Độ, nhằm đảm bảo tiến tới một môi trường hòa bình, an ninh và ổn định cho sự phát triển của hai nước.
 

 

Tác giả bài viết: Phòng KHCN&HTQT

Nguồn tin: Đại học Thái Nguyên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây