Sản phẩm Bột tắm dược liệu wedelia là kết quả sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học ĐH2015-TN06-06 do TS. Phạm Thế Chính, khoa Hóa học thực hiện.
Cây đơn đất có tên khoa học là Wedelia chinensis Merr., thuộc chi wedelia, họ CúcAsteraceae (Compositae). Ngoài ra, ở một số vùng khác nhau có các tên gọi khác như đơn kim, đơn đất, đơn buốt và dễ bị nhầm lẫn với sài đất (Wedelia calendulacea) [1]. Đơn đất là một loại cỏ mọc hằng năm, thân cao 0,4-1 m. Thân màu xanh có lông trắng cứng nhỏ. Lá mọc đối, gần như không cuống, phiến lá kép gồm ba lá chét [1,2]. Cây đơn đất là một vị thuốc qu. được sử dụng trong nhiều bài thuốc để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm họng, viêm ruột thừa, viêm gan truyền nhiễm, viêm dạ dày, tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp, sốt rét [1]. Các nghiên cứu sàng lọc cho thấy dịch chiết từ cây đơn đất có nhiều hoạt tính sinh lọc lý thú như kháng khuẩn, kháng nấm [10], làm lành các vết thương [3], bảo vệ gan [4], làm giảm đau [5], ức chế sự phát triển của tế bào ung thư [6]. Đặc biệt lá, thân và rễ cây đơn đất được dùng để nấu nước tắm cho trẻ em, trẻ sơ sinh và bà mẹ sau khi sinh tại nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam, làm da trẻ em thơm hơn, trắng hơn, không bị nứt lở và không bị côn trùng đốt, trong đó tác dụng chống hăm da trẻ em và làm trắng da đã được nhiều tài liệu đông y đề cập đến [1,10,11].
Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên đã phát hiện dịch chiết, tinh dầu của toàn bộ các bộ phận cây đơn đất có khả năng chống khuẩn rất mạnh đặc biệt là các chủng vi khuẩn gây viêm nhiễm nguy hiểm như S. aureus và B. subtilis. Trong đó tinh dầu cây đơn đất có hoạt tính mạnh với chủng vi khuẩn B. Subtilis với giá trị IC50=17,34 (mg/ml). Các cặn chiết có khả năng ức chế mạnh trực khuẩn S. arenus ở nồng độ IC50=52,7μg/ml và B. subtililis ở nồng độ IC50=159,1 μg/ml. Đây là các giá trị rất lý thú giải thích việc sử dụng cây đơn đất cho các bài thuốc kháng khuẩn trong y học dân tộc [1, 10, 11]. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Khoa học cũng phát hiện cặn chiết và tinh dầu của các bộ phận cây đơn đất đều có tính chống oxy hóa ở nồng độ IC50=198,6 μg/ml, do đó cây đơn đất hoàn toàn có thể sử dụng làm các mỹ phẩm có khả năng làm trắng da. Đặc biệt nhóm nghiên cứu cũng phát hiện khả năng đuổi muỗi và côn trùng của tinh dầu cây đơn đất, đây là một kết quả mới và rất lý thú.
Xuất phát từ thực tế, dựa trên các kinh nghiệm dân gian và trên cơ sở nghiên cứu khoa học, Bộ môn Hóa hữu cơ – Hóa dược, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đã nghiên cứu thành công sản phẩm bột tắm dược liệu WEDELIA từ cây đơn đất dùng để tắm phòng chống hăm da cho trẻ sơ sinh, kháng khuẩn, chống viêm da và làm trắng da, được sản xuất theo tiêu chuẩn: TCCS 02:2016/ĐHKH. Từ các kết quả nghiên cứu trên có thể thấy công dụng của bột tắm dược liệu wedelia như sau:
+ Phòng chống muỗi đốt và côn trùng cắn
+ Chống hăm da cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
+ Kháng khuẩn, chống viêm da
+ Giảm mụn nhọt, rôm sẩy của trẻ nhỏ
+ Làm lành các viết thương nhỏ trên da
+ Làm trắng da Hiện nay, sản phẩm bột tắm dược liệu wedelia có bán tại các siêu thị và nhà thuốc trên toàn quốc
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học (2005).
2. Suresh V, Kumar RM, Suresh A, Kumar NS, Arunachalam G, Umasankar K. CNS “Activity of ethanol extract of Wedelia chinensis in experimental animals”. Int J Pharm Sci Nanotechnol, 3 (1), 881-886 (2010).
3. Verma N, Khosa RL, Garg VK. “Wound healing activity of Wedelia chinensis leaves”, Pharmacologyonline, 2, 139-145 (2008).
4. Masoodi MH, Ahmed B, Verma A., “Antihepatotoxiv activity of Wedelia chinensis in carbon tetrachloride induced toxicity”, Indian Drugs, 47 (3), 51-54 (2010).
5. Verma N, Khosa RL. “Effect of Costus speciosus and Wedelia chinensis on brain neurotransmitters and enzyme monoamine
oxidase following cold immobilization stress”, J Pharm Sci Res, 1 (2), 22-25 (2009).
6. Lin FM, Chen LR, Lin EH, Ke FC, Chen HY, Tsai MJ, et al. “Compounds from Wedelia chinensis synergistically suppress androgen activity and growith in prostate cancer cells”. Carcinogenesis, 28 (12), 2521-2529 (2007).
7. Sameksha Koul, A Panduranga, RL Khosa, “Wedelia chinenis (Asteraceae) - An overview”, Asian Pacific Journal of Tropical Biomedicine, 1169-1175 (2012).
8. Garg SN., Cupta D., Jain Sp., “ Volatile consitutents of the aerial parts of Wedelia chinensis from the north Indian plants”, J. Essent Oil Res., 17, 364-365 (2005).
9. Phạm Thế Chính, Phạm Thị Thắm, Dương Nghĩa Bang, Dương Thị Hoạt. Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học
của tinh dầu cây đơn đất (Wedelia chinensis Merr.), Tạp chí Hóa học và ứng dụng, 2015, 04, 14-17.
10. Viện Dược Liệu , “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, NXB Khoa Học kỹ Thuật, 2004.
11. V. Văn Chi, “Từ điển cây thuốc Việt Nam”, NXB Y Học Hà Nội, 2012.