Hoạt động khoa học - công nghệ năm 2017 của trường Đại học Khoa học: Tự tin vươn lên tầm cao mới

Chủ nhật - 21/01/2018 21:35

Hoạt động khoa học - công nghệ năm 2017 của trường Đại học Khoa học: Tự tin vươn lên tầm cao mới

Số lượng và chất lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín của một nhà khoa học cũng như một cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên thế giới hiện nay. Trong suốt nhiều năm qua, Trường Đại học Khoa học luôn là đơn vị dẫn đầu Đại học Thái Nguyên về công bố bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Năm 2017, hoạt động khoa học công nghệ của nhà trường được khởi sắc bởi có thêm một số đề tài chuyển giao công nghệ do cán bộ giảng viên nhà trường thực hiện, bước đầu ứng dụng đạt hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra tri thức mới phục vụ xã hội, đào tạo nguồn nhân lực năng động và sáng tạo; từ đó từng bước khẳng định vị thế của nhà trường nói riêng, góp phần nâng cao uy tín của Đại học Thái Nguyên nói chung.

        1. Năm 2017, nhà trường đã triển khai, hướng dẫn thực hiện tốt cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ, công tác tổ chức quản lý hoạt động khoa học công nghệ của đơn vị đã giúp cán bộ giảng viên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ khoa học công nghệ theo đúng kế hoạch.. Từ thực hiện các đề tài nghiên cứu, các nhà khoa học của nhà trường đã công bố nhiều sản phẩm khoa học có giá trị chuyển giao tri thức. Sản phẩm của các đề tài nghiên cứu được ứng dụng, mang lại hiệu quả tốt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước và nâng cao dân trí cho cộng đồng. Năm 2017, hoạt động khoa học công nghệ của nhà trường được khởi sắc bởi có thêm một số đề tài chuyển giao công nghệ do cán bộ giảng viên nhà trường thực hiện, bước đầu ứng dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nhà trường giữ vững truyền thống là đơn vị tiêu biểu nhất của Đại học Thái Nguyên về số tác giả có bài báo chất lượng cao đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín. Ngoài ra các khoa, bộ môn thuộc trường còn tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và các hoạt động hữu ích khác. Nhiều nhà khoa học của nhà trường mang tinh thần sáng tạo của mình góp tiếng nói tại nhiều diễn đàn hội thảo quốc tế và quốc gia. Về công tác tổ chức điểm nổi bật là trong năm 2017 nhà trường đã thành lập và kiện toàn hoạt động của hai nhóm nghiên cứu liên ngành (Nhóm nghiên cứu liên ngành Khoa học Tự nhiên và Nhóm nghiên cứu liên ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn).

    2. Năm 2017, mọi hoạt động khoa học công nghệ của nhà trường đều hướng đến tinh thần gắn kết chặt chẽ với hoạt động đào tạo và mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của nhà trường. Có thể điểm đến một số kết quả cơ bản sau đây:

   Về việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học các cấp

    Cán bộ giảng viên nhà trường tích cực thực hiện các dự án quốc tế, đề tài nghiên cứu cơ bản cấp Nhà nước (đề tài Nafosted). Các đề tài đều thực hiện đúng tiến độ với kết quả vượt trội. Có thể kể đến 01tiểu dự án quốc tế về than sinh học do Thạc sĩ Mai Lan Anh chủ trì,  kinh phí năm 2017 là 30.000 USD; 03 đề tài nghiên cứu cơ bản ở quỹ Nafosted (đề tài mã số 101.01-2014.16 do  Giáo sư Tiến sĩ Lê Thị Thanh Nhàn chủ trì; đề tài mã số 103.02-2015-56 do Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng chủ trì; đề tài mã số 104.01-201.68 do Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang chủ trì).  Tổng kinh phí năm 2017 của ba đề tài là hơn hai tỷ đồng. Năm 2017, nhà trường có thêm 04 đề tài Nafosted được duyệt mới của Tiến sĩ Văn Hữu Tập (Thời gian: 2017-2018), Tiến sĩ Phạm Thế Chính (2017-2020), Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng (2018-2019), Giáo sư Tiến sĩ Lê Thị Thanh Nhàn (2018-2019).

Cùng với việc thực hiện dự án, đề tài cấp Nhà nước, trong năm 2017 cán bộ giảng viên của nhà trường cũng tích cực thực hiện và nghiệm thu nhiều đề tài cấp Bộ/Tỉnh, cấp Đại học và cấp Cơ sở. Cụ thể là đã thực hiện 09 đề tài cấp Bộ (04 đề tài chuyển tiếp, 05 đề tài thực hiện mới). Tổng kinh phí được duyệt: 2238 triệu. Các đề tài sử dụng kinh phí hợp lý, sản phẩm của đề tài chất lượng, mang giá trị ứng dụng thực tiễn, thiết thực phục vụ cho công tác nâng cao chất lượng dạy – học của nhà trường. Các đề tài trên đều là cơ sở phát triển cho nhiều luận án tiến sĩ, luận văn thạc sỹ và đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học; Ngoài ra còn thực hiện chuyển tiếp 27 đề tài cấp Đại học (03 đề tài ĐH 2014, 13 đề tài ĐH 2015 và 11 đề tài ĐH 2016); Triển khai thực hiện mới 12 đề tài ĐH 2017. Nhà trường có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các đề tài theo sản phẩm đăng ký trong thuyết minh,  khuyến khích hỗ trợ những đề tài có sản phẩm khoa học chất lượng tốt. Ngoài ra còn thực hiện 02 đề tài cấp Tỉnh,  được duyệt mới 01 nhiệm vụ thuộc chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học về chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên (2017-2019), tổng kinh phí 9,6 tỷ đồng. Thực hiện 13 đề tài cấp cơ sở, tổng kinh phí 75 triệu đồng. Các đề tài đều thực hiện đúng tiến độ với sản phẩm khoa học chất lượng . Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khoa học công nghệ khác được các đơn vị trong trường quan tâm thực hiện: Hội thảo quốc tế, Trường học quốc tế, Seminar chuyên đề, Hội nghị nghiên cứu khoa học cấp khoa/bộ môn...

Việc chuyển giao khoa học công nghệ

Thực hiện nhiệm vụ chuyển giao khoa học công nghệ,  nhà trường đã và đang thực hiện 02 hợp đồng chuyển giao công nghệ với các địa phương, doanh nghiệp. Tham gia 01 tiểu dự án quốc tế về than sinh học. Đặc biệt, 01 sản phẩm ứng dụng của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học (do TS. Phạm Thế Chính, khoa Hóa học làm chủ nhiệm) đã được ký hợp đồng thương mại hóa. Nhà trường đã tăng cường mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học với các đơn vị khác, ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học ứng dụng với 02 tỉnh miền núi phía Bắc (Lạng Sơn, Bắc Kạn), hiện nay các nhà khoa học của nhà trường đang tập trung trí tuệ hướng đến giải quyết nhiều bài toán do nhu cầu thực tiễn các địa phương đặt ra,  nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa cho đồng bào các dân tộc.

Công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế uy tín

      Số lượng và chất lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín của một nhà khoa học cũng như một cơ sở đào tạo, nghiên cứu trên thế giới hiện nay. Trong suốt nhiều năm qua, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên luôn là đơn vị dẫn đầu Đại học Thái Nguyên về công bố bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín.

   Chúng ta đều biết, việc công bố bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế là một công việc hết sức khó khăn và thách thức. Để đăng được bài báo trên các tạp chí/tập san quốc tế, bài báo phải có giá trị khoa học cao, được bình duyệt hay phản biện độc lập (peer-review paper), được đăng trên các tạp chí có "chỉ số ảnh hưởng" (Impact Factor - IF). Mặc dù khó khăn như vậy nhưng trong những năm qua, số bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín của cán bộ giảng viên Trường Đại học Khoa học luôn năm sau cao hơn năm trước.  Năm 2017, cán bộ giảng viên của nhà trường đã có gần 200 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Trong đó, 44 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín ISI thuộc các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Môi trường. Nhiều nhà khoa học trẻ của nhà trường đã rất nỗ lực, say mê nghiên cứu và có nhiều công trình được đăng tải trên các tạp chí quốc tế hàng đầu – đó là các tác giả: Mai Viết Thuận, Trương Minh Tuyên, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Nguyễn Song Hà, Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Đình Vinh, Phạm Thế Chính, Dương Nghĩa Bang, Nguyễn Xuân Ca, Vương Trường Xuân, Nguyễn Văn Đăng, Nguyễn Phú Hùng, Nguyễn Văn Khiển, Văn Hữu Tập…   

      Nhằm khuyến khích cán bộ giảng viên tăng cường công tác nghiên cứu, thực hiện các công trình khoa học có giá trị cao, công bố các công trình trên tạp chí ISI uy tín, Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhà trường đã lựa chọn 09 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế đồng thời có các chỉ số xếp hạng cao (SCI - Q - A) để bình chọn và quyết định khen tặng 03 công trình mà cán bộ giảng viên trường Đại học Khoa học là tác giả chính, đăng trên tạp chí SCI, xếp hạng Q1 và được đánh giá A đến A*. Đó là các bài báo của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn (khoa Toán – Tin); Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ca ( khoa Vật lý & Công nghệ); Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng (khoa Công nghệ sinh học).

     Bài báo của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn với nhan đề:  Solving parameter-dependent Lyapunov equations using the reduced basis method with applications to parametric model order reduction, công bố trên SIAM Journal on Matrix Analysis and Applications; xếp hạng: SCI - Q1 - A*

    Mặc dù đã được áp dụng để giải nhiều phương trình phụ thuộc tham số khác nhau, nhưng đây là lần đầu tiên, phương pháp giảm cơ sở được nghiên cứu để áp dụng vào giải phương trình ma trận cỡ lớn. Kết quả của việc này còn có ý nghĩa quyết định trong việc đưa ra lời giải cho bài toán chặt cân bằng phụ thuộc tham số, vốn là một cách tiếp cận phổ biến trong điểu khiển những hệ phụ thuộc tham số cỡ lớn, mà không cần đến các phương pháp nội suy thông thường. Những khẳng định lý thuyết của công trình đã được kiểm nghiệm bằng những ví dụ thực tế có cỡ lớn đến vài chục ngàn

   Bài báo của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ca với nhan đề: Temperature-dependent photoluminescent and Raman studies on type-II CdS/ZnSe core/shell and CdS/CdZnS-ZnCdSe/ZnSe core/intermediate/shell nanoparticles; Công bố trên Journal of Alloys and Compounds, xếp hạng: SCI - Q1 – A.

   Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu cấu trúc nano tinh thể lõi vỏ loại II CdS/ZnSe là một cấu trúc rất có tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực quang điện và laser do sự tách hạt tải (điện tử và lỗ trống) giữa lõi và vỏ. Các kết quả đã công bố giải thích sự phụ thuộc các tính chất quang theo nhiệt độ của các nano tinh thể loại II có nhiều quan điểm trái ngược. Sự thay đổi năng lượng phát xạ của các nano tinh thể loại II theo nhiệt độ chủ yếu được giải thích do sự giãn nở mạng tinh thể, kích hoạt nhiệt bởi các trạng thái bề mặt và exciton định xứ được hình thành do các thăng giáng thế tại các trạng thái có năng lượng thấp. Tuy nhiên các cách giải thích trên chủ yếu mang tính chất định tính vì chưa có bằng chứng thực tế. Nghiên cứu: “Temperature-dependent photoluminescent and Raman studies on type-II CdS/ZnSe core/shell and CdS/CdZnS-ZnCdSe/ZnSe core/intermediate/shell nanoparticles” của Tiến sĩ  Nguyễn Xuân Ca và các đồng nghiệp đã giải thích đầy tính thuyết phục sự phụ thuộc của năng lượng phát xạ theo nhiệt độ của các nano tinh thể loại II CdS/ZnSe bằng việc kết hợp các bằng chứng thực nghiệm là phổ huỳnh quang và Raman theo nhiệt độ. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra sự thay đổi năng lượng bất thường theo nhiệt độ của các nano tinh thể loại II CdS/ZnSe là do sự thay đổi ứng suất từ giãn sang nén gây ra bởi hệ số giãn nở nhiệt khác nhau giữa lõi và vỏ theo nhiệt độ.   

   Bài báo của Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng với nhan đề: Characterization of Biomarkers of Tumorigenic and Chemoresistant Cancer Stem Cells in Human Gastric Carcinoma; Công bố trên tạp chí: Clinical Cancer Research; xếp hạng: SCI - Q1 – A (impact factor = 9,6)

    Công trình nghiên cứu này đã chứng minh được ALDH là một marker của tế bào gốc ung thư dạ dày có tính đặc hiệu hơn so với marker CD44 đã được xác định trước đó bởi một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Nhật Bản. Đặc biệt, nghiên cứu này đã chỉ ra được những tế bào gốc ung thư dạ dày biểu hiện marker ALDH là những tế bào có khả năng kháng lại các loại thuốc điều trị ung phổ biến đang sử dụng hiện nay, mở ra một triển vọng mới trong việc phát triển liệu trình nhắm đích ung thư. Công bố này đã được Cancer Stem Cell News bình duyệt ở vị trí thứ 2 trong top 10 công bố tiêu biểu về lĩnh vực tế bào gốc ung thư. Sau gần một năm công bố, bài báo đã được 10 lượt trích dẫn lại bởi các công bố quốc tế uy tín khác trong lĩnh vực y sinh.

    Những thành tích đã đạt được về công bố quốc tế năm 2017 là động lực thúc đẩy để cán bộ giảng viên nhà trường tiếp tục vươn lên chinh phục tri thức ở tầm cao mới trong năm  2018, bởi  công bố các bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín đồng  nghĩa với việc mở rộng quảng bá thương hiệu khoa học cho nhà trường, tăng cường hợp tác với các nhà khoa học trên thế giới, mở ra cơ hội hội nhập sâu rộng trong cộng đồng quốc tế.

 Giải thưởng về khoa học công nghệ

 Năm 2017 cán bộ giảng viên nhà trường đã đạt được một số giải thưởng về khoa học công nghệ: 07 bài báo ISI được Chương trình trọng điểm quốc gia về Toán học trao thưởng; 01 giải Khuyến khích Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học;  01 Bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch;  01 Giải Nhất toàn đoàn cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống”, chủ đề “Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta” (do Tạp chí Môi trường và Cuộc Sống - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức).

     3. Tóm lại, năm 2017, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, hoạt động khoa học công nghệ đặc biệt là nghiên cứu  khoa học đã mang lại sức sống,  uy tín và khẳng định thương hiệu của Trường Đại học Khoa học. Trong năm qua, những con số thống kê trên dẫu còn khiêm tốn nhưng là những con số biết nói, rất đáng được trân trọng của thầy, trò trường Đại học Khoa học. Nó cho thấy hoạt động khoa học công nghệ của nhà trường ngày càng chú trọng đến chất lượng các công trình nghiên cứu. Trong bối cảnh ngành Giáo dục và Đào tạo đang triển khai mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà thì đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ  trong nhà trường đại học sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại toàn cầu hóa. Hoạt động khoa học công nghệ của trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên không nằm ngoài mục tiêu chung của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Kết quả hoạt động khoa học công nghệ năm 2017  mang lại niềm tự hào, động viên khích lệ để thầy trò trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên tự tin tiếp tục hướng đến chinh phục những mục tiêu chiến lược trong Giáo dục và Đào tạo với nhiều thử thách đặt ra ở phía trước.

Lễ ký thỏa thuận hợp tác về hoạt động Khoa học - Công nghệ và Đào tạo giữa Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn ( tháng 12/2017)

Thầy và trò trường Đại học Khoa học Thái Nguyên trong buổi lễ nhận Giải Nhất toàn đoàn cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống”, chủ đề “Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta” (do Tạp chí Môi trường và Cuộc Sống - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức năm 2017).

Nhóm các nhà khoa học trẻ trường Đại học Khoa học dự Hội thảo Sinh học tại Quy Nhơn (tháng 11/ năm 2017)

Hội thảo Quốc tế về toán học tại Trường Đại học Khoa học (tháng 1/2017)

Cao Hồng

(Phòng KH-CN&HTQT)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây