Cho đến những năm 1920, người ta đã bắt đầu nhận thấy việc phân chia thế giới theo kiểu thế kỷ XIX thể hiện trong các cấu trúc chuyên ngành không còn phù hợp với những hiểu biết đương đại về cách vận hành của các xã hội và các nền văn hóa. Sự phân chia và chuyên sâu trong nội bộ các chuyên ngành vô tình đã làm giảm tính toàn diện và sự liên kết của chúng. Hợp tác liên ngành trở thành một hướng đi cần thiết để nhận thức thế giới hiện đại với rất nhiều vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra nhưng lại khó có thể giải quyết trong phạm vi một chuyên ngành. Nghiên cứu khu vực (regional studies) càng ngày càng chứng tỏ đó là một khoa học có khả năng liên kết các chuyên ngành khác nhau để lý giải những vấn đề xã hội đương đại.
GS Detlef Briesen đã giảng dạy và nghiên cứu nhiều năm trong lĩnh vực lịch sử văn hóa, lịch sử vùng miền và đô thị, lịch sử toàn cầu hóa và vùng lãnh thổ. Với hơn mười năm nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu về Việt Nam, ông có hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam. Hiện tại ông đang nghiên cứu về sự phát triển của các đô thị Việt Nam, ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân còn để lại ở Việt Nam và tương lai của Việt Nam căn cứ trên các chính sách hiện tại.
Trong seminar tại Đại học Khoa học Thái Nguyên, giáo sư Briesen đã dành phần lớn thời gian giới thiệu về phương pháp nghiên cứu khu vực và các khả năng áp dụng phương pháp này vào các lĩnh vực khác nhau như lịch sử, văn hóa học, văn học, ngôn ngữ học, luật học. Các giảng viên, sinh viên của Đại học đã có một cơ hội được tiếp xúc với những kiến thức mới mẻ của nghiên cứu khu vực. Cách truyền đạt của giáo sư rất súc tích, thân thiện và giàu tính tương tác. Đặc biệt, việc giáo sư sử dụng rất nhiều bảng biểu, bản đồ để minh họa, phân tích các vấn đề khác nhau của châu Âu và Việt Nam khiến cho người nghe cảm thấy cuốn hút và dễ hiểu. Người nghe cảm thấy bất ngờ và thú vị khi nhận ra rằng sự phát triển kinh tế và khoa học kĩ thuật không đồng đều ở các nước châu Âu còn có nguyên nhân là sự khác biệt trong các nhánh khác nhau của Thiên Chúa giáo và mức độ sử dụng rượu. Trong phần hai của buổi seminar, giáo sư Briesen đã trả lời nhiều câu hỏi thú vị đến từ các giảng viên và sinh viên của Đại học Khoa học. Thí dụ: Kiến thức lịch sử có hỗ trợ gì cho nghiên cứu khu vực? Làm thế nào để ứng dụng phương pháp nghiên cứu khu vực vào lĩnh vực nghiên cứu văn học và ngôn ngữ? Kinh nghiệm của nước Đức trong việc khắc phục tình trạng trì trệ và nghèo đói của Đông Đức sau khi nước Đức thống nhất? Các câu hỏi liên quan đến các cơ hội học bổng và tài trợ dự án giáo dục từ DAAD cũng được giáo sư Briesen nhiệt tình trả lời.
Giáo sư Briesen đã lên kế hoạch quay trở lại Đại học Khoa học Thái Nguyên để triển khai các kế hoạch hợp tác nghiên cứu liên ngành quốc tế. Các triển vọng hợp tác này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu của các giảng viên, sinh viên của trường cũng như mở thêm các cơ hội trao đổi giáo dục quốc tế cho Đại học Khoa học Thái Nguyên.
Tác giả bài viết: Phòng KH-CN&HTQT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn