Tâm sự của thực tập sinh trường Đại học Khoa học với chương trình thực tập nghề tại Israel năm 2016
Thứ năm - 15/12/2016 08:46
Thế là đã tròn 4 tháng kể từ khi tôi bước chân sang đất nước Israel - đất nước của dân tộc Do Thái rất thông minh, đất nước được coi là “Quốc gia khởi nghiệp”, hay đất nước có nền nông nghiệp “thần kì” … và đất nước đó cách chúng ta đến gần nửa vòng Trái Đất…
Quay trở lại những ngày đông năm 2015 giá rét, thời gian mà tôi quyết định “xách ba-lô lên và đi”, đó là năm thứ ba tại Đại học, cái năm khi mà sợ ra trường chưa có định hướng rõ ràng làm gì, ra trường mà thiếu kĩ năng hay kinh nghiệm cần thiết, hay vấn đề tài chính đang là gánh nặng trên vai gia đình. Lại nói đến kĩ năng và kinh nghiệm: Kĩ năng và kinh nghiệm là vấn đề của nhiều sinh viên Việt Nam hiện nay, các bạn lười, có mục tiêu lớn nhưng không rõ ràng và hay bỏ dở giữa chừng, các bạn còn dựa dẫm nhiều vào gia đình, ý thức tự lập chưa cao, có kiến thức nhưng lại không biết cách áp dụng. Do vậy khi ra trường các bạn bỡ ngỡ, không biết mình phải làm gì và nên làm gì. Các bạn thấy khó hòa nhập với cuộc sống khi mà đã quá quen với những năm tháng “không nghĩ ngợi” thời đại học. Vì vậy học phải đi đôi với thực hành, không có thì cũng chỉ là lý thuyết suông…
Và rồi thông tin về chương trình thực tập nghề đến với tôi, lúc đó tôi đã lóe lên một suy nghĩ: Cơ hội đó, tại sao mình không thử sức nhỉ? Đó cũng là một con đường để kiểm chứng xem bao năm học tập dưới mái trường tôi đã tiếp thu được những gì và có thể làm được gì. Đó cũng là cơ hội để tôi mở rộng tầm mắt, cơ hội trải nghiệm cuộc sống hoàn toàn tự lập vì trong những năm trở lại đây, nước ta đang dần hội nhập với quốc tế, nên việc ra nước ngoài đã không còn khó khăn và là vấn đề to tát như mọi người vẫn nghĩ.
Tôi cũng có tìm hiểu qua sách báo, internet và đã tìm thấy những thông tin vô cùng thú vị về Israel, một quốc gia nằm ở khu vực Trung Đông nhỏ chỉ bằng một tỉnh lớn của nước ta, có đến 70% diện tích đất đai là sa mạc và có khi hậu vô cùng khắc nghiệt, lượng mưa rất thấp, ở miền Nam mỗi năm chỉ có vài cơn mưa nhưng lại có sự phát triển nông nghiệp vô cùng mạnh (đó là nghịch lý) và được biết đến như là quốc gia có sự phát triển thần kì trong nông nghiệp, nào là trồng rau, nuôi cá trên sa mạc,... điều đó càng thôi thúc tôi khám phá đất nước này.
Các bạn còn biết Israel là một quốc gia trẻ, mới thành lập được 68 năm và trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, người Do Thái đã bị hắt hủi, đánh đuổi, chịu những đau khổ, mất mát như nạn diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã rồi nạn lưu đày, các trại tập trung nhưng bằng nghị lực và tình đoàn kết họ đã xây dựng lại đất nước nhanh chóng trên chính mảnh đất khô cằn quê hương mình.
Cha ông ta có câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả không sai, tuy chỉ đến đây được 4 tháng ngắn ngủi, tôi đã hiểu được một phần (rất nhỏ) về đất nước và con người Do Thái Israel, một đất nước vô cùng khắc nghiệt, các điều kiện tốt đảm bảo cho con người sinh sống hầu như không hiện hữu nơi đây.
Sa mạc chỉ có cát, nắng, gió và cây bụi gai đồng hành với con người, không có nước, không có đất đai màu mỡ, không có cây cối um tùm. Con người ở đây phải hoàn toàn tự mình tạo nên những điều kiện để có thề tồn tại và phát triển.
Sa mạc không có đất – mang đất từ nơi khác về, đổ lên mặt cát nóng bỏng; Sa mạc không có nước – tận dụng hết nguồn nước mưa ít ỏi, hay khoan sâu xuống lòng đất, hay lọc nước biển, và đặc biệt là tận dụng ngay nguồn nước thải hằng ngày. Sa mạc nóng, gió cây trồng không sống được – làm nhà lưới, có mái che và trồng cây trong đó, tự cung tự cấp bằng điện Mặt Trời,… không có gì là họ không thể làm được, họ đã vượt lên thách thức để rồi chiến thắng tự nhiên.
Họ còn nghiên cứu, lai tạo ra giống mới để có thể thích nghi được với môi trường khắc nghiệt nơi đây.
Nói đến người lao động tại các nông trại ở đây, lực lượng lao động chủ yếu là người Thái Lan, họ làm theo hợp đồng lao động 5 năm, người Thái Lan rất thật thà, dễ mến, rất hay giúp đỡ sinh viên làm những việc nặng, họ còn nấu ăn rất ngon mặc dù chủ yếu là nam giới.
Về phần sinh viên, ngoài sinh viên Việt Nam còn có rất nhiều nước khác như Lào, Campuchia, Myanmar, Nepal, Kenya, Ethiopia… đó là cơ hội để ta giao lưu, học hỏi, quảng bá hình ảnh con người nước mình… à còn các anh chị học thạc sĩ, nghiên cứu sinh đến từ các nước nữa
Về công việc, chúng tôi đến đây đóng vai trò như những nông dân Israel thực thụ ^ ^ một tuần có một buổi thứ 7 nghỉ (như chủ nhật bên mình), 1 buổi đến giảng đường học kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật chăm sóc cây, marketing, bảo vệ thực vật, máy nông nghiệp, phương pháp nghiên cứu khoa học,… theo phương pháp dạy của Israel; còn lại là ra đồng, trực tiếp làm đầy đủ các khâu dựng nhà lưới, làm đất, trồng, chăm bón, và cuối cùng là thuc hoạch, đóng gói.
Một vài hình ảnh về cây ớt…
Và cuối cùng, kết quả được mùa hay mất mùa là đây
Ngoài thời gian làm việc ngoài nông trại, những ngày lễ tết chúng tôi sẽ được đi chơi, tham quan thủ đô tôn giáo Jerusalem, thành phố cảng Eilat, Biển Chết,… các bạn sẽ được mở rộng tầm mắt ngắm cảnh, vui chơi…
Các bạn đã được học rất nhiều kiến thức trong sách vở, sách vở kể về cuộc sống muôn màu ngoài kia, nhưng điều quan trọng của các bạn chính là cuộc sống, đó là trải nghiệm, trải nghiệm sẽ cho các bạn thấy cuộc sống muôn vàn sắc màu, có tối, có sáng, có vấp ngã thì mới biết tự mình đứng dậy.
Tuy rằng thời gian học tập và làm việc ở đây tuy không nhiều nhưng tôi tin tôi sẽ học được nhiều điều cho vào kho tàng trải nghiệm của mình, tôi sẽ nhận thấy mình được gì và mất gì, tôi sẽ thấy cuộc sống thật muôn màu.